Video trên là một ví dụ cho cách giao tiếp giữa một tay đua đường trường và lái phụ. Ngôn ngữ của họ không phải ai cũng hiểu được.
Vì mọi thứ diễn ra ở tốc độ cao và tay lái bận rộn cả hai tay trong suốt chặng đua, rất khó để người này lấy được thông tin theo cách thông thường. Những tay lái phụ có cách riêng để truyền đạt thông tin kịp thời cho tay đua chính, bằng cách sáng tạo ra ngôn ngữ mới mà cả hai đều hiểu rõ.
Dưới đây là ngôn ngữ cơ bản của lái phụ và tay đua tại các giải đua đường trường, với một công cụ phổ biến là sổ ghi chú tốc độ (pacenote). Ngôn ngữ này được sử dụng cả trong một số trò chơi video đua xe hiện đại như Dirt Rally 2.0 và WRC10, cho tới những game cổ điển gồm Colin McRae Rally và Richard Burns Rally.
Ở đời thực, những ý tưởng này được phát triển và áp dụng theo từng đội đua, theo cách các tay đua và lái phụ thấy dễ hiểu nhất.
Pacenote chủ yếu có những gì?
Ghi chú phổ biến nhất thường gồm "trái" hoặc "phải", kết hợp với các số 1-6.
Ở WRC10, hướng đi sẽ được đưa ra đầu tiên, cụ thể là "trái 5" hoặc "phải 3". Trong khi ở Dirt Rally 2.0 thì ngược lại, tức "5 trái" hoặc "3 phải". Những hướng dẫn này đơn giản cho biết hướng của góc cua sắp tới, và độ rộng của góc cua.
"1" có nghĩa góc cua rất hẹp và cần về số thấp ở tốc độ thấp. "2" tức góc cua rộng hơn, nhưng vẫn có nghĩa là hẹp và tốc độ thấp.
"3" và "4" miêu tả góc cua rộng hơn, chạy ở số cao hơn. "5" cho phép chạy nhanh và "6" là rất nhanh, với góc cua mở rộng, và có thể gần như thẳng.
Pacenote còn những gì khác?
Không phải mọi góc cua đều có thể được miêu tả bằng các số. Nếu lái phụ sử dụng từ "hairpin" (kẹp tóc) có nghĩa đó là một góc cua chữ chi, hay một góc cua gần 180 độ, tương đương số 1. Những góc cua gắt nhất sẽ cần sử dụng phanh tay.
Một số thuật ngữ khác như "square left" (vuông trái) hay "square right" (vuông phải). "Square" (vuông) ở đây đề cập tới góc cua, và đó là một góc 90 độ.
Nếu lái phụ nói "flat left" hay "flat right", mà "flat" có nghĩa phẳng hoặc bẹt, tức xe đang chạy tới góc cua mà tay đua không cần nhấc khỏi chân ga hoặc không cần dùng phanh.
Tuy nhiên, việc sử dụng ga hay phanh còn tùy thuộc vào tình huống cụ thể và tốc độ xe chạy. Nếu vào cua dạng "flat" nhưng xe đang ở tốc độ khoảng 240 km/h thì tay đua vẫn có thể phải dùng phanh. Khi đó, những thông tin được lái phụ đưa ra sẽ giúp tay đua biết ở phía trước có gì đang đợi, và chủ động xử lý.
Những con số hàng chục có ý nghĩa gì?
Nếu nghe thấy những con số lớn hơn, như 30, 50 hoặc thậm chí 150, thì có nghĩa lái phụ đang nói đến khoảng cách của đoạn đường thẳng phía trước. Thông thường, những con số này sẽ được đọc lên ngay sau khi nhắc đến một khúc cua. Vì thế, nếu là "square right 100" có nghĩa sau khúc cua 90 độ về bên phải sẽ là đoạn đường thẳng dài 100 m trước khi tới góc cua tiếp theo.
Nếu đoạn đường thẳng quá ngắn, hoặc không có, thì thay cho một con số họ sẽ nói "and" (và) hoặc "into" (thẳng tới). "3 right into 4 left" có nghĩa sau góc cua đầu tiên sẽ lập tức đến luôn góc cua thứ hai mà không có quãng nghỉ.
Về chiều dài của góc cua thì sao?
Thay vì dùng số, lái phụ sẽ sử dụng cách miêu tả đơn giản, như "short" (ngắn), "medium" (trung bình) hoặc "very long" (rất dài).
Lái phụ cũng sẽ miêu tả một khúc cua phát triển ra sao, bằng cách sử dụng những từ như "tightens" hay "narrows" (thu hẹp), hoặc "opens" và "widens" (mở rộng). Ví dụ, "right 4 tightens" có nghĩa góc cua bắt đầu với độ rộng là 4, nhưng có thể thu hẹp còn 3 hoặc thậm chí 2.
Chạy cắt qua khúc cua hay không cắt?
Nếu lái phụ nói "don't cut" (đừng cắt) khi đề cập tới khúc cua, thì tay đua tốt nhất không nên chạy cắt qua, bởi đang được cảnh báo về nguy hiểm tiềm tàng, như đá tảng bên lề, hay chỗ xóc có thể khiến xe bay lên.
Nhưng nếu nghe thấy "cut", có nghĩa tay đua có thể tận dụng thời cơ để chạy cắt qua vì mọi thứ an toàn.
Pacenote có những cảnh báo gì?
Đôi khi, lái phụ có thể nói "slow" (chậm lại) và tay đua nên giảm tốc độ bởi có lý do cho điều đó. Hoặc tay đua có thể nghe thấy "unseen" (không nhìn thấy), có nghĩa góc cua khuất tầm nhìn và họ sẽ chỉ nhìn thấy nó vào giây cuối cùng. Vì thế, cần tập trung cao độ để không cắt thẳng qua khúc cua và bay khỏi đường đi.
Ngoài ra, những thuật ngữ cảnh báo khác trong pacenote có thể gồm "jump" (nhảy - tức gờ nổi hay ụ đường nơi xe có thể bị nảy lên), "water splashes" (vũng nước), "tunnels" (đường hầm), "bridges" (cầu), "gates" (cổng), "walls" (tường), "logs" (khúc gỗ), "snow" (tuyết), "ice" (băng) và những thứ khác.
Tường, cầu và khúc gỗ có thể khiến cuộc đua dừng lại nếu xe đâm trúng. Đường hầm sẽ cần bật đèn. Vũng nước có thể phải bật cần gạt nước. Tuyết hay băng có thể cần đến một bộ quần áo lót chống lửa.
Ra dấu, hay ngôn ngữ cơ thể
Trong video trên, lái phụ Scott Martin (người Anh) dùng tay để cung cấp thông tin cho tay đua chính. Tuy nhiên, việc ra dấu không hiệu quả bằng lời nói, bởi có thể khiến tay đua mất tập trung khi phải để ý quan sát đồng đội đang ra hiệu điều gì. Ngoài ra, việc ra dấu có thể khiến lái phụ phải dùng đến cả hai tay nên sẽ không thể giữ được quyển sách ghi chú.
Mỹ Anh (theo TraxionGG)