Màn hình Android là một trong những món đồ chơi được nhiều tài xế "độ" cho của mình. Với giá thành từ vài triệu tới vài chục triệu đồng, sản phẩm này giúp thay thế màn hình giải trí mặc định của xe bằng một "chiếc điện thoại thông minh cỡ lớn" gắn lên táp-lô.
Sở dĩ màn hình Android cho ô tô được chuộng vì nó có giá thành vừa phải, mang đến nhiều tính năng như bản đồ, dẫn đường, phát nhạc… và dễ dàng sử dụng như một chiếc smartphone. Kích thước màn hình hiển thị lớn, giao diện cảm ứng cũng khiến những chiếc ô tô đời cũ trở nên "xịn" hơn sau khi nâng cấp lên màn Android.
Tuy nhiên, không ít tài xế lại lạm dụng khi mở video, chạy YouTube trong khi lái xe. Trước hết, phải khẳng định rằng việc mở video trong khi điều khiển phương tiện dù tài xế có xem hay không đều gây mất tập trung. Đó là lý do mà các màn hình mặc định theo xe đều sẽ vô hiệu hóa tính năng phát video ngay khi tài xế chuyển xe sang số D và xe bắt đầu chuyển bánh.
Trong khi đó, màn hình Android lắp ngoài vẫn cho phép thoải mái phát video, mở YouTube ngay cả khi di chuyển. Khi ngồi trên một số xe taxi, tôi rất nhiều lần thấy tài xế vừa lái xe vừa bấm bấm vào màn hình để chọn bài, chuyển bài, thậm chí dò dò trên bàn phím cảm ứng để gõ tên bài hát…
Theo nghiên cứu của HotCars, màn hình cảm ứng gây mất tập trung gấp đôi so với các thiết bị điều khiển dạng vật lý, thường là nút bấm hay núm xoay. Ngoài ra, thao tác cảm ứng cũng kém chính xác hơn, dễ gây xao nhãng. Đó là chưa kể màn hình Android thường có kích thước lớn và ánh sáng phát ra từ đó có thể khiến lái xe giảm khả năng quan sát khi điều khiển phương tiện vào ban đêm.
Cá nhân tôi cho rằng tùy nhu cầu sử dụng mà người dùng có thể cân nhắc lắp màn hình Android hay không. Nhưng dù dùng thiết bị giải trí nào thì cũng không mở video trong khi lái xe, hạn chế thao tác với màn hình giải trí trong lúc điều khiển phương tiện.
Tai nạn xảy ra thường chỉ trong 1-2 giây chúng ta xao nhãng, trong khi nguy hiểm trên đường thì luôn rình rập. Khi chúng ta mải quay sang nhìn vào màn hình, rất có thể chiếc xe phía trước phanh gấp và lúc đó phản ứng của tài xế chậm lại hẳn. Cũng có thể là khi ta bấm vào màn hình cảm ứng để chuyển bài hát, một người đi bộ bất ngờ băng qua đường, liệu ta có đủ thời gian để phanh hoặc đánh lái?
Màn hình mặc định của các dòng ô tô đều không cho phát video trong khi lái xe, tính năng Apple CarPlay hay Android Auto (mặc định) không hỗ trợ bất kỳ ứng dụng xem video nào. Đó là những nguyên tắc an toàn cơ bản, trở thành tiêu chuẩn của thế giới. Tuy nhiên, người Việt dường như không tuân thủ điều đó, bỏ thêm cả chục triệu đồng lắp màn Android nhiều tính năng để rồi "mua" sự nguy hiểm vào mình.
Quan điểm của tôi là màn hình Android không xấu, tuy nhiên cách sử dụng nó của một số tài xế ở Việt Nam lại "xấu". Hi vọng các tài xế nâng cao ý thức về vấn đề này, đồng thời cơ quan chức năng, chẳng hạn cơ quan Đăng kiểm, cũng cần có chế tài kiểm soát.
Độc giả Hoàng Tùng
Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Báo Dân trí.