Mặc dù dừng sản xuất xe xăng nhưng VinFast vẫn tiếp tục bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng như cam kết trước đó. Ngoài ra, hãng còn bổ sung thêm những chính sách và dịch vụ có lợi hơn đến với khách hàng như: tăng thời hạn bảo hành xe lên 10 năm, cung cấp dịch vụ sửa chữa xe lưu động (Mobile Service),...
Bên cạnh đó, lượng phụ tùng ô tô được hãng dự phòng gấp 1,5 lần so với thông lệ, đủ để đảm bảo dịch vụ chăm sóc khách hàng cho tất cả các dòng xe xăng đến hết vòng đời. Tổng hợp những yếu tố trên, ông Vượng tin rằng: “giá xe xăng VinFast thậm chí sẽ còn tăng”.
Với những khách hàng đang sử dụng xe ô tô xăng của VinFast, nếu muốn đổi sang xe điện sẽ được hỗ trợ thêm 30 triệu đồng, kinh phí từ quỹ “Vì tương lai xanh” của hãng.
Hiện tại, mô hình các trạm sạc VinFast đã được triển khai lắp đặt tại nhiều nơi. Trên cao tốc, quốc lộ được bố trí điểm sạc siêu nhanh 250kW, trung tâm thương mại sử dụng trụ sạc từ 30 - 60kW, trong khi hầm chung cư và bãi đỗ xe qua đêm chủ yếu là loại 11 – 30kW. Ngoài ra, hãng cũng sẽ mở rộng hợp tác với các đối tác trên toàn quốc để lắp trạm sạc và toàn bộ chi phí vận hành, lắp đặt đều do Vingroup chịu trách nhiệm.
Bên cạnh vấn đề về quyết sách dừng xe xăng, phát triển xe điện trên, ông Vượng cho biết hiện tại Vingroup vẫn đang phải chịu lỗ với VinFast và theo kế hoạch phải đến 2 năm nữa mới có lãi. Tuy nhiên, chủ tịch VinGroup cũng cho biết lãi này sẽ nằm ở thị trường quốc tế còn tại Việt Nam thì vẫn phải bù lỗ do hãng phải gánh chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng cho xe điện. “Đến nay, chúng tôi có 40.000 cổng sạc nhưng sẽ nâng lên 150.000 vào cuối năm 2022”.
Theo kế hoạch, trong năm nay, VinFast sẽ mở cọc thêm mẫu SUV điện cỡ A - VF5, cùng một số mẫu xe máy điện hoàn toàn mới. Riêng 2 mẫu SUV điện nằm ở phân khúc B và C là VF6 cùng VF7 sẽ được hãng giới thiệu trong năm 2023 cùng 1 mẫu sedan, 1 mẫu SUV , 1 mẫu xe máy hoàn toàn mới và ngoài ra còn cả 1 mẫu xe bus dành cho thị trường Mỹ hoặc Châu Âu.
Ảnh: Nguyễn Ánh Dương