Nhiều đại lý của các dòng lốp thông dụng tại Việt Nam như Michelin, Bridgestone, Goodyear, Continental, Hancook... đều có mức giá tăng từ 50.000-500.000 đồng cho một lốp. Ngay cả, một số mẫu lốp sản xuất trong nước như Advenza của Casumina cũng tăng nhẹ 50.000 đồng mỗi lốp cho xe phổ thông.
Dải lốp tăng giá trải dài 14-19 inch, lốp càng lớn mức tăng càng nhiều. Các dòng lốp cho la-zăng 18-19 inch tăng khoảng 500.000 đồng/lốp. Ví dụ, một lốp xe Tucson trước đây giá 2,8-3,2 triệu đồng thì nay tăng lên mức 3,1-3,6 triệu.
Với mỗi dòng xe, nếu không sử dụng lốp theo xe, người dùng có thể thay theo ý muốn với các thương hiệu khác. Vì vậy, mức giá cũng khác nhau. Lốp mới nhưng đời cũ (ví dụ 2020) giá thấp hơn so với 2021. Ví dụ mẫu Honda City có kích thước bánh xe là 185/55 R16, có các lựa chọn lốp từ khoảng 1,2 triệu tới 2,2 triệu đồng.
Đại diện các hãng lốp ở Việt Nam cũng xác nhận mức tăng giá trên thị trường là đúng theo điều chỉnh của hãng. Đại diện Goodyear Việt Nam cho biết, giá lốp hãng này tăng 20-30% do nguồn cung nhập khẩu bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Michelin chỉ tăng một số dòng do chi phí logistics tăng bởi những gián đoạn do dịch bệnh, mức tăng 8-10%. Continental, hãng lốp sản xuất tại Việt Nam cho biết giá tăng nhẹ từ 5-15% do giá nguyên vật liệu tăng, mức tăng này thấp hơn các hãng lốp nhập khẩu.
Tình trạng thiếu cao su làm lốp trên toàn thế giới khiến nhiều nhà máy phải giảm bớt năng lực sản xuất. Hiện nay, lốp ở Việt Nam được nhập nhiều từ Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Trung Quốc.
Sau khoảng 4 tháng giãn cách ở khu vực phía Nam và gần 2 tháng ở khu vực Hà Nội khiến nhu cầu lốp tăng vọt khi hết giãn cách. Theo một số đại lý lốp, giá sẽ không tăng nhiều từ giờ đến cuối năm, nhưng cũng sẽ khó về mức như thời điểm trước dịch.
Ngoài một số mẫu lốp tăng giá cũng có nhiều mẫu lốp giữ giá ở mức ổn định. Vì giá tăng, nhiều khách hàng chuyển qua dùng lốp lướt (mới lăn bánh quãng đường ngắn) để tiết kiệm chi phí.
Ánh Dương