Nếu như tại Mỹ, Tesla tăng giá xe nhằm tăng lợi nhuận, thì ở Trung Quốc, hãng cố giữ giá ổn định nhằm lấy lòng khách hàng tại đây.
Theo hãng tin Reuters, từ đầu năm đến nay, Tesla không ngần ngại cả chục lần tăng giá các phiên bản thấp nhất của hai mẫu Model 3 và Model Y. Trong khi đó, mới đây, hãng đã giới thiệu một phiên bản Model Y giá rẻ ở Trung Quốc để không phải giảm giá xe mới hấp dẫn được người tiêu dùng.
Kết thúc quý II vừa qua, Tesla đã ghi nhận doanh số tăng kỷ lục, và việc tăng giá xe ở Bắc Mỹ đã khiến hãng đạt mức lợi nhuận quý cao nhất từ trước tới nay 1,1 tỷ USD, cao gấp hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu cũng đã tăng gần gấp đôi so với mức 12 tỉ USD của năm ngoái.
Tesla hiện có giá trị vốn hóa thị trường gần 630 tỷ USD, cao nhất trong số các nhà sản xuất và cao gấp 14 lần so với giá trị công ty chỉ cách đây hai năm. CEO Elon Musk của công ty hiện là người giàu thứ ba thế giới, với khối tài sản ước tính đạt 163 tỉ USD, theo tạp chí Forbes.
Tuy nhiên, ở Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới, Tesla đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu nội địa, cũng như phải đối mặt với một số vấn đề nghiêm trọng, như triệu hồi xe, sự phản ứng của người tiêu dùng và sức ép từ phía các cơ quan chức năng.
Nhà phân tích Toni Sacconaghi của công ty Bernstein cho rằng việc giới thiệu mẫu Model Y giá rẻ ở Trung Quốc có thể khiến Tesla gặp khó trong việc gia tăng lợi nhuận và đặt ra dấu hỏi về nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với xe của hãng.
Một cuộc khảo sát do các nhà phân tích của Bernstein thực hiện cho thấy các chủ xe Tesla ở Trung Quốc không hào hứng và cũng ít có xu hướng mua lại xe Tesla như các chủ xe ở Mỹ và châu Âu.
Tesla đã 6 lần tăng giá mẫu Model Y Long Range ở Mỹ trong năm nay, tăng 5.500 USD lên 53.990 USD. Trong khi đó, ở Trung Quốc, hãng chỉ tăng giá mẫu Model Y SUV và Model 3 sedan duy nhất một lần trong năm nay.
Hiện xe Tesla Model Y có giá 276.000 nhân dân tệ (42.393 USD) tại Trung Quốc, đi kèm các chương trình khuyến mại như cho vay ưu đãi.
"Tôi cho rằng Tesla muốn nâng cao khả năng cạnh tranh hết mức có thể ở Trung Quốc. Giá bán thấp hơn sẽ là một phần trong chiến lược xây dựng thị trường đầy tham vọng của hãng", nhà phân tích Craig Irwin của công ty Roth Capital Partners nhận định. "Các sự chênh lệch rất lớn về giá pin ở Mỹ và Trung Quốc, cũng như chi phí sản xuất xe".
Tesla bắt đầu sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải vào cuối năm 2019. Hãng đã đẩy mạnh việc mua các phụ tùng giá rẻ hơn từ các nhà sản xuất trong nước, trong đó, pin mua của CATL và nhà máy của LG ở Trung Quốc.
"Cách đây không lâu, Tesla còn phải giảm giá xe ở Mỹ để đạt được mục tiêu quy mô và tối đa hóa lợi nhuận; có vẻ như giờ đây họ cũng đang làm giống như vậy ở Trung Quốc", nhà phân tích Nicholas Hyett của công ty Hargreaves Lansdown nhận xét.
Trung Quốc hiện chiếm 44% thị trường xe điện toàn cầu, cao hơn nhiều so với mức 17% của Mỹ.
Tại Trung Quốc, Tesla phải cạnh tranh với các nhà sản xuất nội địa như Nio Inc và Xpeng Inc. Tại Mỹ, thương hiệu Tesla có chỗ đứng tốt hơn, cạnh tranh với cả các nhà sản xuất ô tô lớn như và General Motors (GM).
Nhật Minh