Mới đây, một người sở hữu Tesla đã giật mình với cái giá sửa chữa một lỗi rất nhỏ do hãng xe công nghệ Mỹ đưa ra.
Ô tô điện được ca ngợi là chiếc xe bảo vệ môi trường, và có ít chi tiết cơ khí hơn xe xăng nên dễ bảo trì, bảo dưỡng. Và điều này dẫn đến chi phí nuôi xe rẻ hơn. Nhưng câu chuyện này sẽ khiến nhiều người sớm vỡ mộng.
Một chủ sở hữu Tesla tại Mỹ trong một lần chạy trên đường và bánh xe cán vào một số mảnh vỡ trên đường. Tốc độ nhanh của xe đã cuốn các mảnh vỡ đó đâm thủng lớp vỏ bọc tấm pin nằm dưới gầm xe. Trong tấm vỏ bọc này có nước làm mát pin và bị rò rỉ sau khi thủng.
Anh ta nghĩ rằng, vết thủng nhỏ chẳng đáng bao tiền nên vác đến đại lý Tesla sửa chữa. Nhưng cái giá mà hãng xe điện Mỹ đưa ra khiến anh choáng váng vì nó có giá lên đến 16.000 USD, tương đương 370 triệu đồng.
Các thợ sửa chữa Tesla giải thích, phần hỏng của xe liên quan đến bộ phận chính của xe, tức là phải thay cả tấm pin điện với giá 16.000 USD, cũng bằng nửa giá chiếc xe Tesla 3.
Một điều khiến chủ sở hữu lâm vào khủng hoảng là bộ phận này, Tesla không bảo hành, trong khi bảo hiểm của anh ta vừa hết hạn mấy ngày trước. Có nghĩa rằng anh ta phải bỏ tiền túi ra.
Trong thế khó này, anh quyết định mang đến một cửa hàng sửa xe xăng để sửa chữa. Chỉ mất 700 USD, tương đương 16 triệu, chiếc xe quay trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa, Tesla sẽ phát hiện thông qua phần mềm và khóa chiếc xe khỏi việc kết nối đến các trạm sạc điện nhanh của hãng.
Câu chuyện này đang lan rộng khắp nơi khiến giới mua xe điện đang trở nên lo lắng vì giá sửa chữa quá cao, và dễ dàng mất các quyền lợi khác.
Mới đây, Tổng thống Mỹ đã phải ban hành quy định quyền được sửa chữa từ bên thứ 3. Có nghĩa là các hãng công nghệ Mỹ như Apple hay Tesla không được độc quyền sửa chữa nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho nền kinh tế cũng như khiến khách hàng không bị tính giá quá cao.