Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và Hyundai Thành Công, thị trường quý đầu 2025 tiêu thụ 83.715 xe, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu cộng thêm 34.600 xe của VinFast, doanh số toàn ngành đạt 118.315 xe, tương đương gần 2.000 xe bán ra mỗi ngày và một xe bán ra mỗi phút.
Doanh số thị trường khởi sắc đầu 2025 nhờ nhiều yếu tố. Trong đó, điểm nhấn chính là mức bán vượt trội VinFast so với các đối thủ và làn sóng đổ bộ của xe Trung Quốc. Thị trường cũng chứng kiến sức hút xe Hàn tiếp tục đi xuống, ngược lại là xu hướng xe điện hóa ngày càng tăng lên.
VinFast và phần còn lại
Tháng 3, doanh số của VinFast đạt hơn 12.100 xe. Không một hãng đối thủ nào đạt đến ngưỡng bán này, dù tính tổng cộng cả quý. Với 34.600 xe bán ra trong quý đầu, VinFast tạo ra khoảng cách tới 23.200 xe với đối thủ xếp gần nhất, Toyota, con số gấp gần 6 lần lượng bán trung bình tháng của hãng Nhật.
Sở hữu hệ sinh thái trạm sạc lớn nhất cả nước, VinFast chủ động trong cuộc chơi ở mảng xe điện. Cuối tháng 2 đầu tháng 3, VinFast thông báo ngừng chính sách thuê pin và giảm giá bán lẻ tất cả các dòng xe từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Chính sách miễn phí sạc pin đến giữa 2027 kích thích nhu cầu sắm xe điện của người dân, đặc biệt với những khách hàng cá nhân muốn có xe để kinh doanh dịch vụ. Nhiều công ty chuyển sang dùng xe điện thay cho xe xăng, dầu để kinh doanh cũng giúp VinFast có thêm nguồn cung, tạo đà doanh số tăng mạnh. Vì vậy, doanh số của hãng này có phần đóng góp không nhỏ của các hãng kinh doanh taxi.

Một mẫu VF 5 trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: Phạm Trung
VF 3 và VF 5 là hai mẫu xe bán chạy nhất của VinFast với doanh số lần lượt 12.900 xe và 10.700 xe. Lượng bán của VF 3 thậm chí lớn hơn các thương hiệu bán toàn bộ dải sản phẩm trong cả quý đầu 2025.
Trong nửa sau 2025, VinFast sẽ giới thiệu hàng loạt sản phẩm mới của dòng Green với thiết kế và công năng tối ưu hóa cho mục đích kinh doanh dịch vụ. Hai trong số đó là Minio, mẫu xe siêu nhỏ giá 269 triệu đồng và Limo, MPV 7 chỗ giá 749 triệu đồng, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
Xe điện hóa tiếp tục nở rộ
Ngoài khía cạnh doanh số khi VinFast, thương hiệu chỉ bán xe điện, dẫn đầu toàn ngành và ba trong top 10 xe bán chạy cũng đều thuộc hãng này, mảng xe điện hóa tiếp tục đa dạng hóa lựa chọn ở quý đầu 2025. Nhiều sản phẩm ra mắt thị trường đều là dạng hybrid thực thụ hoặc thuần điện.

Honda HR-V hybrid 2025 tại Hà Nội. Ảnh: Lương Dũng
Sau CR-V và Civic, Honda tiếp tục "hybrid hóa" dải sản phẩm của hãng tại Việt Nam bằng chiếc HR-V nhập Thái Lan. Với ba sản phẩm hybrid, Honda hiện là thương hiệu có số lượng xe hybrid nhiều thứ hai thị trường phổ thông sau Toyota (6 xe hybrid).
Omoda bán chiếc J7 ở phân khúc CUV cỡ C với hai lựa chọn. Trong đó, bản PHEV cao cấp nhất, giá ban đầu 999 triệu đồng. Sau đó, hãng giảm xuống còn 879 triệu đồng (áp dụng 18/4-31/7). Đối thủ cạnh tranh với J7 là mẫu xe đồng hương BYD Sealion (839-969 triệu đồng) vừa ra mắt giữa tháng 4. BYD bán giá đặc biệt 799-899 triệu đồng cho 1.000 khách đầu tiên mua Sealion 6.
Sealion 6 là mẫu xe hybrid đầu tiên của BYD tại Việt Nam, trước đó là loạt xe thuần điện. Hai phiên bản của Sealion 6 đều là loại PHEV.
Ở phân khúc thấp hơn là CUV cỡ B+, nhà phân phối Thành An giới thiệu chiếc Haval Jolion chỉ lắp máy hybrid cho hai biến thể. Lựa chọn xe hybrid ở phân khúc này cho khách Việt trở nên phong phú hơn, bên cạnh Toyota Corolla Cross, Subaru Crosstrek. Đi cùng là các sản phẩm thuần điện như MG4 EV, VinFast VF 6, BYD Atto 3.
Xe Trung Quốc đổ bộ hàng loạt
Trong ba tháng đầu 2025, khoảng 14 mẫu xe mới ra mắt khách Việt thì 11 trong số đó là đến từ các thương hiệu Trung Quốc. Porsche 911, Skoda Kodiaq và Peugeot 2008 là ba cái tên còn lại.
Khách Việt có thêm nhiều lựa chọn khi Dongfeng giới thiệu bộ tứ sản phẩm, gồm Huge, Mage, E70, Box thuộc các phân khúc sedan, CUV/SUV, dùng động cơ đốt trong, hybrid và thuần điện. Geely giới thiệu chiếc CUV cỡ B Coolray nhập khẩu Malaysia, chưa kể EX5, Monjaro có kế hoạch bán vào giữa năm.

G50 bản cao cấp nhất tại sự kiện ra mắt hôm 29/3 ở TP HCM. Ảnh: Thành Nhạn
Nhóm xe gầm cao cỡ B trong quý đầu 2025 còn có tân binh Haval Jolion. Omoda C5 bổ sung thêm bản giá rẻ 539 triệu đồng. Jaecoo J7 gia nhập phân khúc CUV cỡ C.
Phân khúc MPV thêm phần sôi động với sự góp mặt của MG G50 với giá bán bản số sàn MT chỉ 599 triệu đồng, ngang bằng những bản thấp của các mẫu MPV cỡ nhỏ.
Ngoài những sản phẩm kể trên, Thành An, nhà phân phối thương hiệu GWM còn mang về hàng loạt dòng xe mới như Haval M6, Tank 300 (SUV cỡ C), Tank 500 (SUV cỡ E), Wey 80 (MPV cỡ lớn). Tuy nhiên, công ty chưa nói rõ thời điểm bán ra.
Xe Hàn suy yếu
Danh sách 10 mẫu xe bán chạy nhất thị trường quý I hoàn toàn vắng bóng xe Hàn. Hồi 2024, chỉ có Hyundai Accent còn trụ lại nhóm những sản phẩm ăn khách hàng đầu.
Xe Hàn vốn mạnh ở những phân khúc giá rẻ, kích thước nhỏ như hatchback cỡ A, sedan và CUV cỡ B. Nhưng cạnh tranh khốc liệt trên thị trường hai năm qua, đặc biệt khi các đối thủ Nhật thay đổi cách định vị sản phẩm với giá bán cạnh tranh hơn, và sự trỗi dậy của VinFast ở nhóm xe gầm cao cỡ nhỏ, siêu nhỏ, khiến xe Hàn mất dần lợi thế.

Sonet tại một đại lý Kia ở Bình Dương. Ảnh: Thành Nhạn
Thời hoàng kim của Kia K3, Kia Seltos, Kia Sonet, Hyundai i10, Hyundai Creta, doanh số thường từ 10.000 xe trở lên. Nhưng hiện cột mốc ấy, trừ Hyundai Accent, rất khó tái lập với những cái tên ăn khách hàng đầu của xe Hàn. Năm gần nhất là 2024, K3 bán 3.603 xe, Seltos - 6.829 xe, i10 - 5.831 xe, Creta - 8.640 xe.
Từng thống trị phân khúc đang tăng trưởng nóng nhất thị trường, CUV cỡ B, Seltos, Creta giờ đây thất thế trước Mitsubishi Xforce, Toyota Yaris Cross. i10, K3 vẫn dẫn đầu phân khúc nhưng doanh số không còn đóng góp lớn vào thị phần chung của mỗi hãng. Nguyên nhân là xu hướng ưa chuộng xe gầm cao của khách Việt khiến thị phần những nhóm xe cỡ A, sedan cỡ C bị thu hẹp.
Phạm Trung