Ferdinand Piëch - cha đẻ của “con quái vật” , đã biến một bản vẽ nguệch ngoạc trên phong bì thành siêu xe nhanh nhất thế giới. Với niềm đam mê không giới hạn, ông tạo ra cỗ máy khiến cả ngành ô tô sửng sốt.

Một bản phác thảo, cả một cuộc cách mạng
Sinh ra tại Vienna (Áo) năm 1937, Piëch lớn lên trong một gia đình có truyền thống trong lĩnh vực ô tô với ông ngoại là Ferdinand Porsche - người sáng lập thương hiệu Porsche nổi tiếng. Piëch bắt đầu học kỹ thuật cơ khí tại Zurich, rồi gia nhập Porsche, góp phần tạo nên huyền thoại đường đua Porsche 917.
Tuy nhiên, ông lại khẳng định được chất riêng, vượt qua bóng của gia đình khi rời Porsche và đến Audi và làm việc cho tập đoàn mẹ Volkswagen. Năm 1993, Ferdinand Karl Piëch trở thành Chủ tịch của Volkswagen và "lèo lái" tập đoàn này theo cách ít người dám làm: đổi mới, táo bạo và không chấp nhận "vừa đủ".
Đầu năm 1997, trên chuyến tàu cao tốc Shinkansen từ Tokyo đến Nagoya (Nhật Bản), ông đã làm điều mà chỉ thiên tài mới nghĩ đến: vẽ phác thảo một động cơ 18 xi-lanh ngay trên chiếc phong bì. Ý tưởng “khủng long” ấy được chia sẻ với Karl-Heinz Neumann – giám đốc phát triển truyền động của Volkswagen, và từ đó, lịch sử ngành xe bước sang trang mới.

Piëch không chỉ muốn tạo ra một chiếc xe nhanh với một cỗ máy 1.000 mã lực, có thể chạy 400 km/h, mà còn vẫn phải đủ êm ái để đưa vợ đi nghe opera. Một chiếc xe hội tụ cả hai thế giới: công nghệ đỉnh cao và sự sang trọng tuyệt đối.
Và để hiện thực hóa giấc mơ ấy, ông cần một thương hiệu đặc biệt. Lúc đầu, ông nhắm tới Bentley hoặc Rolls-Royce.
Nhưng rồi định mệnh lên tiếng, theo cách không ai ngờ: trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh, con trai Gregor của ông chọn mua một mô hình Bugatti Type 57 SC Atlantic thay vì các mẫu xe khác. Piëch nhìn thấy điều ông đang tìm: – cái tên đồng nghĩa với tốc độ, sự sang trọng và di sản nước Pháp.
Chưa đầy một năm sau, vào ngày 5/5/1998, Volkswagen chính thức nắm trong tay thương hiệu Bugatti và gần như ngay lập tức, "quái vật" Bugatti Veyron được lên kế hoạch sản xuất.
Bugatti Veyron - mẫu siêu xe quý tộc
Ngay sau khi "rước nàng Bugatti về dinh", Piëch không để lãng phí một ngày nào. Ferdinand K. Piëch đã ủy quyền cho người bạn của mình, nhà thiết kế nổi tiếng Giorgetto Giugiaro của Italdesign, phát triển một mẫu thể hiện tầm nhìn của ông.
Và kết quả, Bugatti EB 118 – chiếc coupe hai cửa với động cơ 18 xi-lanh đã ra mắt tại Triển lãm ô tô Paris vào tháng 9/1998, chỉ vài tháng sau khi Volkswagen AG mua lại thương hiệu này, khiến cả thế giới trầm trồ.
Chưa đầy một năm sau, hàng loạt concept tiếp tục xuất hiện: Bugatti EB 218 (Triển lãm Geneva 1999), EB 18/3 Chiron (Triển lãm Frankfurt 1999) và đặc biệt là EB 18/4 Veyron – chiếc xe ý tưởng ra mắt tại Triển lãm xe Tokyo, định hình hoàn toàn mẫu xe thương mại mang tính cách mạng sau này.
Không như những bản concept trước đó do Giugiaro vẽ, Veyron mang dấu ấn của nhà thiết kế trẻ người Séc – Jozef Kabaň, dưới sự chỉ đạo của Hartmut Warkuß. Và chính phiên bản này đã được "chấm" để trở thành siêu phẩm thực thụ.
Năm 2000, Piëch chính thức tuyên bố: Bugatti sẽ chế tạo một chiếc siêu xe với 1.001 mã lực, đạt tốc độ trên 400 km/h – và vẫn đủ "quý tộc" để đi phố như một chiếc limousine hạng sang. Đó không chỉ là một bài toán kỹ thuật, mà là thách thức vượt xa mọi giới hạn công nghệ thời bấy giờ.

Và rồi, vào năm 2005 – Bugatti Veyron 16.4 ra đời. Với tốc độ tối đa 407 km/h và khả năng tăng tốc từ 0-100 km/h chỉ trong 2,5 giây, Veyron không chỉ phá kỷ lục về tốc độ mà mẫu xe này còn viết lại định nghĩa về siêu xe.
Nhưng hơn cả những con số, Veyron là hiện thân của tinh thần Ferdinand Piëch: cầu toàn, táo bạo, và không bao giờ hài lòng với sự "đủ tốt". Mỗi chi tiết trong chiếc xe đều mang đậm dấu ấn kỹ thuật tinh xảo – từ hệ thống làm mát khổng lồ, đến cấu trúc carbon chịu nhiệt độ cực cao, và cả nội thất đậm chất quý tộc.
Ông từng nói: “Bugatti chỉ nên làm điều không ai làm được.” Và quả thực, dưới bàn tay của ông, Bugatti đã trở lại không chỉ là một thương hiệu – mà là một biểu tượng.
(Theo Motor1)