Khi nào hồ sơ bồi thường bảo hiểm cần có hồ sơ công an?
Điều 13 Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới bao gồm bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với người thứ ba và hành khách, hoặc trường hợp cần xác minh vụ tai nạn có nguyên nhân do lỗi hoàn toàn của người thứ ba, bao gồm: Thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn hoặc Thông báo kết luận điều tra giải quyết vụ tai nạn.
Như vậy, chỉ trong trường hợp tai nạn gây tử vong hoặc cần xác minh nguyên nhân tai nạn do lỗi của người thứ ba mới cần hồ sơ công an.
Hồ sơ bồi thường bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản cần những gì?
Nếu chỉ có thiệt hại về tài sản, theo Điều 13 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới bao gồm các tài liệu sau:
- Văn bản yêu cầu bồi thường.
- Tài liệu liên quan đến xe cơ giới, người lái xe (bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính hoặc bản ảnh chụp), gồm: giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc chứng từ chuyển quyền sở hữu xe và chứng từ nguồn gốc xe (trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký xe), giấy phép lái xe, giấy tờ tùy thân của người lái xe (chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân...), và giấy chứng nhận bảo hiểm.
- Tài liệu chứng minh thiệt hại đối với tài sản, gồm: hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc bằng chứng chứng minh về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn gây ra; và các giấy tờ, hóa đơn, chứng từ liên quan đến chi phí phát sinh mà chủ xe cơ giới đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
- Biên bản giám định của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền.
- Quyết định của tòa án (nếu có).
Người mua bảo hiểm hay công ty bảo hiểm có trách nhiệm thu thập hồ sơ công an?
Cũng theo Điều 13 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với người thứ ba và hành khách hoặc trường hợp cần xác minh vụ tai nạn có nguyên nhân do lỗi hoàn toàn của người thứ ba, bao gồm: Thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn hoặc Thông báo kết luận điều tra giải quyết vụ tai nạn.
Đối với hợp đồng bảo hiểm nói chung, trách nhiệm giám định tổn thất thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm. Cụ thể, Điều 53 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định:
- Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài ủy quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất.
Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chi trả.
- Trường hợp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có thể thỏa thuận thuê giám định viên độc lập, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
Trường hợp các bên không thỏa thuận được việc thuê giám định viên độc lập thì một trong các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền hoặc Trọng tài trưng cầu giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên.
Các hợp đồng bảo hiểm tự nguyện vật chất có thể có những điều khoản thỏa thuận riêng giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe về thủ tục bồi thường, nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.