Yêu cầu khắc phục là thủ tục hành chính của cơ quan quản lý khi phát hiện sai phạm của nhà sản xuất có tính hệ thống.
"Chúng tôi rất nghiêm túc tiếp nhận yêu cầu khắc phục do Bộ đưa ra và cam kết sẽ nỗ lực để cải thiện tình hình", chủ tịch Koji Sato của Toyota Motor cho biết.
Trong thông báo, Toyota Motor cho biết đã xác định được một số vấn đề, như các quy định không rõ ràng về việc nộp hồ sơ đăng ký cấp chứng nhận, nhân sự ở cấp quản lý không nắm rõ và không trực tiếp tham gia vào quá trình cấp chứng nhận.
Hồi tháng 6, có 5 nhà sản xuất ô tô và mô-tô Nhật Bản thừa nhận việc cấp chứng nhận không đúng quy trình cho xe và làm sai lệch dữ liệu kiểm tra, gồm Honda, Mazda, Suzuki, Toyota, và Yamaha.
Toyota Motor cho biết công ty đã thử nghiệm 7 mẫu xe không đúng quy trình. Vì thế, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản yêu cầu tập đoàn dừng sản xuất 3 mẫu trong số đó, gồm Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross.
Toyota Motor sau đó đã mở một cuộc điều tra nội bộ đối với tất cả các mẫu xe mà công ty đã sản xuất trong 10 năm qua và tháng trước cho biết không phát hiện thêm mẫu xe nào được cấp chứng nhận sai quy trình.
Tuy nhiên, hôm 31/7 vừa qua, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã tuyên bố bác bỏ kết luận trên.
Sau khi tự điều tra, cơ quan này phát hiện có dấu hiệu sai phạm, ví dụ như làm sai lệch kết quả kiểm tra và/hoặc tiến hành kiểm tra, thử nghiệm sai quy trình đối với các xe khác với công bố trước đó của công ty vào tháng 6.
Ngày 31/7, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho biết đã phát hiện sai phạm ở thêm 7 mẫu xe, gồm Prius Alpha, Lexus RX, RAV4, Camry, Noah Voxy, Harrier và Lexus LM. Trong đó, có 4 mẫu vẫn đang được sản xuất; đó là Noah/Voxy, RAV4, Harrier và Lexus LM.
Bộ cho biết thêm rằng trong số 7 mẫu xe mà trước đó công ty đã ghi nhận có vấn đề trong quá trình kiểm tra để cấp chứng nhận, chi tiết về 2 mẫu không được báo cáo đầy đủ.
Tất cả 7 mẫu xe bị "tuýt còi" trước đây giờ đã đáp ứng được các tiêu chuẩn, và việc sản xuất đã được nối lại.
Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản ban hành yêu cầu khắc phục sau khi phát hiện thêm một số vấn đề, yêu cầu công ty đánh giá lại và tổ chức lại hoạt động.
Toyota Motor giờ đây phải nộp bản kế hoạch ngăn ngừa vào cuối tháng 8 và nộp bản báo cáo tiến độ hằng quý.
Đây là lần đầu tiên Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản ban hành yêu cầu khắc phục đối với Toyota Motor.
Trước đó, có 3 nhà sản xuất ô tô đã nhận yêu cầu khắc phục từ Bộ; đó là Hino Motors vào năm 2022, Daihatsu vào tháng 1 năm nay, và Toyota Industries vào tháng 2; tất cả đều thuộc tập đoàn Toyota Motor.