Kể từ khi ra mắt, mẫu xe bán tải điện Tesla Cybertruck nhận được nhiều ý kiến đánh giá là mất an toàn; hầu hết do thiết kế góc cạnh bằng kim loại thô có thể gây nguy hiểm. Mới đây, một vấn đề mới xuất hiện, đó là thiết kế tay nắm cửa dạng ẩn.
Một chủ xe cho biết bố vợ anh đã phải nhập viện chỉ vì cố mở cửa để vào xe.
Không giống loại cửa xe có tay nắm nhô ra ngoài, chiếc xe bán tải này dùng nút bấm để mở cửa. Đó không phải là một thiết kế mới, điều làm nên sự khác lạ là vị trí của nút bấm này nằm ở giữa cửa trước và cửa sau.
Nếu một người muốn đóng cửa sau, trong khi người khác bấm mở cửa trước, tai nạn có thể xảy ra. Và đó chính là trường hợp của người đàn ông nói trên, là thành viên có nickname SpykeDaddy trong Câu lạc bộ chủ xe Cybertruck.
"Đó là một kinh nghiệm đau thương cho tất cả. May mà bố vợ tôi "chỉ" phải khâu 7 mũi và nẹp trong phòng cấp cứu. Việc điểm sắc nhọn tiếp xúc với khớp trên cùng của ngón trỏ là một may mắn. Đó là một vết cắt rất sâu. Sau khi xem chỗ sắc trên xe vào tối qua, tôi đã rất sốc, thấy may mà ông không bị cứa đứt đầu ngón tay hoặc gãy xương", người này chia sẻ trên diễn đàn.
Ông hy vọng rằng những chia sẻ của mình sẽ giúp các chủ xe Cybertruck khác chú ý tới mối nguy hiểm này và có biện pháp phòng tránh.
Về tai nạn liên quan đến việc cửa xe khiến người dùng bị kẹp tay, mới đây, một chủ xe ở Mỹ đã thắng kiện BMW, buộc hãng xe Đức phải bồi thường gần 2 triệu USD.
Cụ thể, vào năm 2016, ông Godwin Boateng dùng tay phải để đóng cửa và ngón cái đặt ở mép cửa nên bị kẹp, do cửa hít của chiếc BMW X5 sử dụng mô-tơ để hoàn tất thao tác đóng cửa.
Ông đã được đưa tới bệnh viện để cấp cứu ngay, nhưng bác sĩ cho biết, phần đầu của ngón cái bị đứt lìa khá nghiêm trọng, không thể nối liền.
Luật sư cho biết, sau vụ tai nạn, ông Boateng không còn có khả năng chơi tennis, môn thể thao mà ông yêu thích, phải tập cách sử dụng dụng cụ và viết lách. Dù đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật cả lớn và nhỏ, ông Boateng vẫn không thể dùng ngón cái tay phải để gõ máy tính.
Điều này ảnh hưởng đến thu nhập, vì ông là kỹ sư phần mềm. Theo ước tính của ông Boateng, kể từ khi xảy ra tai nạn, mỗi năm ông tổn thất khoảng 250.000 USD do mất khả năng lao động.
Ông Boateng đã đệ đơn kiện hãng xe Đức nhưng phải sau 8 năm và trải qua nhiều tranh cãi, kết quả thắng lợi trên mới đến với ông.