Theo New York Post, vụ việc này xảy ra vào năm 2016. Lúc đó, ông Godwin Boateng (kỹ sư phần mềm tại Mỹ) đang dùng tay phải để đóng cửa và ngón cái đặt ở mép cửa nên bị kẹp, do cửa hít của chiếc BMW X5 sử dụng mô-tơ để hoàn tất thao tác đóng cửa.
Người dùng này nhanh chóng đến bệnh viện để cấp cứu nhưng theo bác sĩ, phần đầu của ngón cái bị đứt lìa khá nghiêm trọng, không thể nối liền. Ông Boateng sau đó đã đệ đơn kiện hãng xe Đức nhưng phải sau 8 năm và trải qua nhiều tranh cãi, kết quả thắng lợi mới đến với người dùng này.
Theo luật sư của ông Boateng, kể từ sau vụ tai nạn, ông không còn có khả năng chơi thể thao (tennis), phải tập cách sử dụng dụng cụ và viết lách. Thậm chí, dù đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật cả lớn và nhỏ, ông Boateng vẫn không thể dùng ngón cái tay phải để gõ máy tính.
Điều này ảnh hưởng đến thu nhập, do nghề nghiệp chính của ông là kỹ sư phần mềm. Theo ước tính của ông Boateng, kể từ khi xảy ra tai nạn, mỗi năm ông tổn thất khoảng 250.000 USD do mất khả năng lao động.
Trong đơn kiện của ông Boateng, người dùng này cho rằng thiết kế cửa hít của BMW có nhiều nguy cơ gây hại cho người dùng, do không được trang bị cảm biến phát hiện vật cản như cửa sổ.
Về phía BMW, hãng xe Đức này đã tiến hành kiểm tra chiếc X5 của ông Boateng và kết luận không có lỗi kỹ thuật nào ở hệ thống cửa hít, người dùng cũng được khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng là không được đặt tay hay bất cứ bộ phần nào gần cửa đang đóng.
Sau khi xem xét bằng chứng và lắng nghe lập luận của các bên liên quan, bồi thẩm đoàn không kết tội BMW về lỗi kỹ thuật theo đơn kiện của ông Boateng, nhưng yêu cầu hãng xe Đức phải chịu trách nhiệm với tại nạn của ông Boateng. Mức phạt được đưa ra là 1,9 triệu USD (hơn 48 tỷ đồng).
Dù phủ nhận thiết kế cửa hít trên những chiếc xe như X5 là lỗi kỹ thuật nhưng trong quá trình điều tra, BMW đã thừa nhận có ít nhất 44 trường hợp trên toàn thế giới gặp tai nạn liên quan đến cửa hít ở năm 2016.